“REMEMBER”: Cùng con vượt qua Đại dịch!
Hesham Hamoda, MD, MPH
Bác sĩ tâm thần, Bệnh viện Nhi Boston
Trợ lý giáo sư, Đại học Y Harvard
Translated by Nguyen Thi Hue, Tran Kim Phu
WHO hiện đang thông báo về đại dịch COVID-19 trên 135 quốc gia (có khả năng tiếp tục lan rộng), cuộc sống của hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới đang bị ảnh hưởng.
Bạn có cảm thấy choáng ngợp trước các tin tức? Bạn không hề đơn độc! Sau đây là một số phương pháp giúp cha mẹ có thể hỗ trợ trẻ vượt qua khoảng thời gian khó khăn này, bằng cách nhớ cụm từ “REMEMBER”.
1. R – Reassure (Trấn an trẻ): Theo dõi sát thông tin, đồng thời cho trẻ biết rằng cha mẹ luôn ở bên và đảm bảo cho con được an toàn. May mắn là cho tới nay, các trẻ bị mắc bệnh thường ở mức độ nhẹ và chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.
2. E – Empower (Trao quyền cho trẻ): Trẻ có cơ hội được học về giá trị của việc chăm sóc người khác và suy nghĩ về cộng đồng. Hướng dẫn trẻ viết thư cảm ơn đến các nhân viên y tế (thư có thể được gửi sau), ủng hộ các nỗ lực cứu trợ, gọi điện hỏi thăm người hàng xóm lớn tuổi hoặc đặt một mảnh giấy nhỏ với dòng chữ “con nhớ ông bà” dưới cửa ra vào.
4. M – Maintain calm (Giữ bản thân cha mẹ bình tĩnh): Trước hết, hãy tự bắt mạch cho chính mình! Trẻ sẽ bắt chước những gì bạn làm thay vì những gì bạn nói. Tự chăm sóc bản thân là kỹ năng quan trọng để quản lý căng thẳng cho chính bản thân cha mẹ và cho con.
5. E – Engage (Để trẻ tham gia cùng): Đây là cơ hội để cả gia đình có thể dành thời gian cho nhau. Làm cho trẻ “bận rộn”, chơi trò chơi, xem phim hoặc cùng nhau nấu ăn, có thể tổ chức bữa tiệc nhảy múa nho nhỏ để mọi người luôn ở trong trạng thái tích cực.
5. M – Manage (Quản lý cảm xúc của trẻ): Cho trẻ có cơ hội được hỏi, thảo luận về cảm xúc của mình về dịch bệnh và ảnh hưởng dịch bệnh đến chúng. Điều này khá quan trọng vì khi trường học đóng cửa, trẻ phải ở nhà, tách khỏi bạn bè cũng như các thói quen hàng ngày. Phụ huynh không cần phải đặt câu hỏi mà chỉ cần lắng nghe. Đây cũng có thể là cơ hội để hướng dẫn trẻ các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, suy ngẫm và thiền định.
6. B – Beware (Chú ý): Trẻ có thể bị quá tải khi tiếp cận với các phương tiện truyền thông và thông tin thì không phải lúc nào cũng chính xác.
7. E – Educate (Giáo dục cho trẻ): Đây có thể là một cơ hội để giáo dục trẻ về những thói quen tốt như vệ sinh tay và che miệng khi ho. Cũng là cơ hội giúp chúng có hứng thú với khoa học hay các nghề nghiệp hỗ trợ như “Thật tuyệt làm sao khi một nhà khoa học khám phá ra một loại vắc-xin cho căn bệnh này? Hoặc “Các điều dưỡng đang chăm sóc cho những người bệnh là một công việc tuyệt vời có phải không con?”; “Con có thể tưởng tượng được công việc của những bác lao công quan trọng như thế nào trong việc giữ gìn sự an toàn cho chúng ta trong những ngày này không?”
8. R – Routines (Thói quen): Gần gũi với trẻ nhiều nhất có thể thông qua những hoạt động như ăn tối với cả gia đình, kể chuyện trước khi đi ngủ, cùng nhau xem phim vào buổi tối v.v… Không quên cho trẻ tập thể dục ở nhà và thường xuyên uống nước ấm. Nếu có thể hãy giữ cho bầu không khí trong nhà và ngoài sân thật trong lành!